Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Hướng dẫn nấu món giả cầy ngon nhất quả đất

Chào các bạn!
Không tự nhiên trong bài đầu tiên trên blog tôi muốn giới thiệu đến các bạn món thịt lợn giả cầy. Nói thật là tôi cũng rất thích ăn món này và làm khá ngon :). Các bạn hãy cùng làm và thưởng thức nhé.

Một số địa phương có những cách nấu giả cầy khác nhau: có tương đỗ, có xả, có lá mơ, có tiết lợn ... Nhưng tôi là người Ninh Bình và hôm nay tôi xin giới thiệu đến các bạn cách nấu món thịt giả cầy kiểu Ninh Bình. Cái món giả cầy mà mẹ tôi nấu cho tôi ăn từ nhỏ và giờ đây đến lượt tôi nấu cho cả nhà ăn :D vào mỗi dịp mát trời hay mùa đông giá rét.



1. Chuẩn bị
Để nấu món "giả cầy ngon nhất quả đất" :D cho 4-5 người ăn các bạn chuẩn bị nguyên liệu như sau:
- Chân giò lợn: 1 cái nặng khoảng 1,5 - 2 kg(các bạn có thể chọn chân trước hoặc sau thì tùy) tuy nhiên nếu các bạn muốn ăn nhiều thịt thì chọn chân sau còn thích ít thịt thì nên chọn chân trước. Các bạn cũng có thể mua riêng móng giò và thịt chân giò. Chân giò lợn phải tươi nhé, ấn vào thịt thấy đàn hồi tốt và tối kị mua chân giò đã thui sẵn ngoài chợ. Các loại móng giò đã thui sẵn đó thường không được thơm, màu cũng không đẹp và khó có thể biết được nó có còn tươi trước khi thui.

- Mẻ: Các bạn cần lưng bát ăn cơm mẻ chua nhé. Mẻ rất quan trọng nhé các bạn. Nếu mẻ không thơm ngon và không chua là đã làm hỏng nồi giả cầy của chúng ta rồi. Nếu mẻ chưa được xay nhuyễn thì nên dùng đồ lọc mẻ và muôi để tán mịn nhé. Lúc ăn mà nhìn thấy hạt cơm mẻ mất cả ngon :-P. Mình thường mua mẻ của bác bán dưa - cà - đồ khô ở đầu chợ Phùng Khoang rất ngon. 3k/ túi nấu là vừa lượng thịt kể trên nhé.

Thịt chó thật hay thịt chó giả (món giả cầy) thì đều cần có mắm tôm và riềng nhé.
- Mắm tôm: khoảng 2 thìa canh (một lọ mắm tôm nhỏ ngoài chợ khoảng 3-5.000 thì phải). Các bạn nên sử dụng mắm tôm Thanh Hóa là ngon nhất.
- Riềng: Các bạn có thể cho nhiều chút cũng được, chọn củ già nhé. Có thể mua riềng xay sẵn bán ở chợ hoặc giã. Nhưng đừng mua giềng xay thành dạng bột rồi nhé, không được thơm lắm đâu. Tốt nhất nên giã các bạn ạ, cảm giác tươi và thơm hơn rất nhiều.
 - Gia vị: Mắm, muối, đường, mì chính tất nhiên là không thể thiếu vì mắm tôm không thể đủ mặn cho nồi giả cầy của chúng ta.
- Rau sống và bún để ăn kèm. Ăn cơm cũng rất ngon nhé
Bố tôi thì không nấu món này bao giờ. Tuy nhiên tôi thấy ông cụ nói rất đúng: "Nặng riềng mẻ nhẹ mắm tôm" thì món "Giả cầy" của chúng ta mới ngon được. Các bạn nhớ nhé :D
2. Thực hiện

Bước 1: Thui chân giò. 
Nhiều bạn chưa biết cách nào để thui chân giò cho đẹp và thơm ngon. Hôm nay tôi mách các bạn hai cách thui chân giò nhé. Đảm bảo món giả cầy của các bạn sẽ ngon ngon và đẹp mắt hơn cả ngoài hàng luôn.
- Chân giò để cả cái rồi đem thui rơm như thui chó thì ngon hết xảy. Thui xong mùi rất thơm mà lại có làn "da nâu" rất là bắt mắt nhé.

 - Bây giờ các bạn thành phố khó mà kiếm ra rơm còn giấy báo thì rất sẵn nhỉ. Các bạn có thể bọc chân giò kín bằng giấy báo (2 - 3 lớp) sau đó đem đốt cho cháy hết lớp báo đó. Màu cũng sẽ đẹp như thui rơm chứ đừng để trần trụi thế mà cho lên bếp ga hay hơ lửa hay mua sẵn. Màu sẽ xấu như hình dưới đây.

Bước 2: Lọc thịt chân giò và chặt phần móng giò
Các bạn nên chặt móng giò thành miếng nhỏ 3 x 3cm, còn phần thịt thái dày khoảng 2-3mm, ngang thớ và to bản. Mục đích của việc này là giúp thịt mau ngấm gia vị, thời gian tẩm ướp rút gọn, mau chín (tiết kiệm năng lượng) mà khi chín miếng thịt vẫn không bị "tủn mủn" quá nhé
Bước 3: Tẩm ướp
Các bạn bỏ thịt vào nồi, cho mắm tôm, mẻ, riềng, 2 thìa cafe muối (sau khi chín nếu nhạt có thể nêm nếm thêm), 3-4 thìa cafe đường, 2 thìa canh nước mắm và đặc biệt các bạn nên cho 2-3 thìa canh dầu ăn. Việc làm này giúp phần thịt nạc khi chín sẽ mềm và khi ướp thì mau ngấm gia vị hơn. Sau đó đeo bao tay ni lông và bóp nhẹ hỗn hợp cho đều. 
Bước 4: Đợi thịt thấm gia vị. Tối thiểu là 30 phút. Các bạn để đó và làm việc gì đó như rửa rau sống chẳng hạn.
Bước 5: Nấu món giả cầy ngon nhất quả đất nào :D
Bắc nồi giả cầy lên bếp. Đun với lửa to nhé. Khi thấy nồi giả cầy bắt đầu nghe tiếp xèo xèo thì hạ lửa xuống mức trung bình.
Đun đến khi miếng thịt có vẻ săn lại hay đơn giản là thấy cạn nước và miếng thịt không còn màu đỏ thì cho khoảng 2-3 bát con nước đun sôi vào.
Đun sôi trở lại sau đó hạ nhỏ lửa. Đun tiếp khoảng 30 phút thì nếm gia vị xem đã vừa chưa, cho thêm sau đó tắt bếp (nếu các bạn muốn ăn nhừ hơn thì đun lâu hơn) Tuy nhiên theo tôi thì đun khoảng đó là vừa, lúc này lớp da lợn sẽ mềm nhưng vẫn còn độ sừn sựt, ăn rất ngon.
Bước 6: Oánh chén
Sau khi nồi giả cầy đã chín, các bạn múc ra tôi, sau đó dọn cùng bún và rau sống.
Miếng thịt giả cầy thơm thơm, mềm mềm, có vị ngọt của  thịt, vị thơm của mắm tôm quyện với mùi riềng mẻ, thêm một chút rau sống giòn, mát. Thật là một món ăn tuyệt vời, quốc hồn quốc túy.

Như vậy tôi vừa giới thiệu cách nấu món thịt giả cầy kiểu Ninh Bình cho các bạn. Chúc các bạn thành công với món này ^,^

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét